(DTO) - Ai đã từng ghé làng Cẩm Nam ăn bánh tráng đập ở những quán tranh ven sông Hoài (Hội An) đều giữ nguyên cảm giác “nhắc tới thấy thèm” để rồi “mỗi khi có dịp ghé lại Hội An, cứ phải qua cầu về Cẩm Nam ăn đĩa bánh tráng đập mới thấy trọn vẹn”.
< Bánh tráng đập Cẩm Nam.
Cách trung tâm thành phố Hội An chỉ quá 2 cây số, qua cây cầu nối liền đường Hoàng Diệu (Hội An, Quảng Nam) là đến làng bánh tráng đập xôm tụ cả một vùng. Khách ghé quán gọi món chưa đầy 10 phút đã có một đĩa bánh.
Hai lớp bánh tráng nướng mỏng, giòn tan kẹp lấy một lớp bánh ướt cùng hình tròn chu vi chừng 10cm. Khoan vội dùng bánh ngay, mà phải dùng lực nắm tay đập bánh cho lớp bánh tráng nướng vụn ra, dính quện vào lớp bánh ướt. Vì chi tiết này mà bánh tráng làng Cẩm Nam (Hội An) có tên là bánh tráng đập.
Dulichgo
Một kẹp bánh đạt phải đảm bảo bánh tráng nướng xong được bảo quản kỹ trong bì bóng để giữ nguyên độ giòn và bánh ướt vừa mới ra lò còn nóng hổi. Bí quyết pha chế nước chấm cũng là một trong những cách giữ khách của quán. Công thức pha chế nước chấm bánh tráng đập rất dễ nhớ. Nước mắm cái, loại mắm chế biến từ cá cơm ướp muối, thêm vài thìa đường, thơm (dứa) băm nhuyễn, dầu và hành phi vừa tới.
Khách ăn cay, có thể nêm một nhỉnh tương ớt, cũng pha chế thủ công nhưng rất ngon theo bí quyết gia truyền của những hiệu tương ớt có tiếng ở Hội An. Công thức pha chế như nhau những mỗi người mỗi cách nêm gia vị mắm mới pha chế dậy mùi rất quyến rũ. Vì lẽ đó “nhắc tới thấy thèm”.
Ghé làng Cẩm Nam ăn bánh tráng đập không chỉ để thưởng thức chút hương vị nhà quê bình dân mà ngon lành. Khách ghé quán sẽ thích thú khi ngồi giữa thiên nhiên đặc trưng của một làng ven sông. Hương vị bánh tráng đập Cẩm Nam quyện lẫn trong đó mùi của bờ bãi, đồng quê.
Khúc sông quê bên lở bên bồi ôm lấy làng bày ra trước tầm mắt khách ngồi trong quán bình yên và nên thơ. Một đĩa bánh ăn loáng là xong nhưng mấy khách ăn xong vội về. Ai dường như cũng muốn nán lại, nhẩn nha từng miếng bánh tráng, cười giòn tan theo câu chuyện của bạn bè xôm tụ hay nhìn theo khói bay lên từ cửa bếp, nơi những lò tráng bánh đỏ lửa suốt bảng lảng cả mặt sông.
Dulichgo
Những đĩa bánh tráng đập giá chỉ mấy nghìn đồng, quán xá bình dân vậy mà cả một dãy quán kéo dài làng bánh tráng đập chẳng lúc nào thưa xe lớn, xe nhỏ. Nhiều người đã tâm sự cùng người viết bài này: “Ăn bánh tráng đập không chỉ thèm cái giòn tan lẫn vào vị nước chấm mà ghé Cẩm Nam ăn bánh trạng đập cũng để tìm về chút kỷ niệm. Ngày xưa, tuổi thơ ai chẳng có một làng quê”.
Bây giờ làng Cẩm Nam đã có hàng chục quán hơn chuyên bán bánh tráng đập nhưng người ăn bánh tráng đập thâm niên vẫn thủy chung tìm về cái quán nhỏ, có vẻ tuềnh toàng, quê mùa hơn những quán mới xây của bà già - người chủ quán hơn mươi năm trước nay đã không còn.
Cái quán đầu tiên, cũ kỹ nhất làng, chẳng mấy ai hỏi tên bà, chỉ nhớ nụ cười của bà chủ quán phúc hậu. Cháu con thừa hưởng nghề gia truyền đặt tên quán thành quán “Bà Già” theo cách gọi của khách. Bây giờ cả nhà vẫn bám nghề mưu sinh, không giàu nhưng chẳng nghèo, đủ sống qua ngày là vui như cái yên bình mong mỏi của người làng quê.
Có những khách ở huyện kế cận Hội An hay ở Đà Nẵng, cách hàng mấy chục cây số mà vẫn thường hẹn nhau về Hội An, qua Cẩm Nam ăn bánh tráng đập để cả làng Cẩm Nam nổi tiếng với món bánh tráng đập trở thành một điểm đến hấp dẫn ở ngoại thành phố cổ du lịch Hội An.
Theo Khánh Hiền (Dân Trí)
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét