Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Đi nhậu... nằm ở Kép

(Giải trí) - Đến thị xã Hà Tiên, nếu bạn trông giống người phương xa tới thì cánh xe ôm sẽ không ngần ngại mời bạn… xuất cảnh sang Kép của Campuchia để trải nghiệm 'nhậu nằm'.

< Tượng đài con ghẹ nơi cửa ngõ vào Kép từ hướng Việt Nam như một sự tri ân của ngư dân thành phố với loài đặc sản này.

Thành phố 'con ghẹ'

Ở Kép, thành phố nhỏ nằm ở Đông Nam Campuchia, những ngày trời trong, đứng trên bãi cát vàng nhìn về hướng đông nam có thể nhìn thấy Phú Quốc và Quần đảo Hải Tặc của Việt Nam sừng sững ở đường chân trời. Nhiều du khách mong có chuyến đi từ Phú Quốc vào đây, từ đây ra Phú Quốc nhưng vì nhiều lý do, tuyến đường đó vẫn chưa thành.

< Khu lữ quán nằm bên núi Bạch Mã, nơi có quán Phở của người Việt buôn bán lâu năm ở Kép.

Cách cửa khẩu Xà Xía tiếp giáp biên giới với Campuchia non 10 cây số, nên việc đi lại từ Hà Tiên sang bên kia biên giới không phải là chuyện phải đắn đo nhiều. Có thể thấy sự khác nhau giữa hai bên biên giới: Nếu như bên Việt Nam với những cửa hiệu, hàng hóa, điểm du lịch thì bên kia Campuchia là các tổ hợp casino, trường gà, mà khách chủ yếu là từ Việt Nam sang (dụ dân VN thôi - Bạn có thể tán gia bại sản vì những trò bạc bịp trong các casino này, đừng mong mình sẽ thắng nhà cái).

< Tượng ngựa trắng nơi cửa ngõ vào Kép từ hướng Phnom Penh nên Kép tiếng Campuchia còn có nghĩa là “yên ngựa”.

Nhiều địa phương biên giới của Campuchia xem khách Việt Nam là nguồn thu lớn nhất. Nhiều người từ Việt Nam sang Campuchia hay bị “việt vị” khi giao tiếp bằng tiếng Anh thì được những người bản xứ ở đây trả lời bằng… tiếng Việt. Anh bạn Chanh Tha ở Cam Pốt giải thích: “Ở các khu chợ hay điểm du lịch tại đây có rất nhiều du khách nói tiếng Việt, nên người Campuchia cũng học tiếng Việt cho dễ bán”. Dulichgo

Sang Kép, người ta cũng xem du khách Việt Nam là nguồn thu lớn. Ngược lại, ngày càng nhiều người Việt cũng thích sang Kép bởi đi lại thuận tiện, có thể về trong ngày. Cũng còn vì phố biển trong lành này vẫn còn vắng vẻ, hoang sơ như một ví von “ra đường không có tiếng xe, vào chợ không nghe tiếng người”.

Kép (hay còn gọi lài Keb), tiếng Campuchia có nghĩa là “yên ngựa”. Vì thành phố chỉ vỏn vẹn có 2 quận này nằm cặp dãy núi Bạch Mã. Có 2 đường bộ đến Kép: Một là từ Xà Xía suôi theo con đường hành lang ven biển, qua những khu rừng ngập và cánh đồng muối, chỉ mất chừng 30 phút. Khi thấy tượng đài con ghẹ khổng lồ vươn càng “welcome” từ phía biển, nghĩa là tới Kép.

< Bãi biển ở Kép.

Hay đi từ Phnom Penh qua địa phận Cam Pốt, khi thấy tượng đài con ngựa trắng giữa ngã tư cũng có nghĩa là đã đến Kép. Người Campuchia có cách tri ân những anh hùng, các huyền thoại hay đơn giản là đặc sản của quê hương bằng những tượng đài dễ nhớ như vậy.

Ngay cả các bản chỉ dẫn đường cũng ghi đến “con ghẹ” hay đến “con ngựa trắng” bao nhiêu cây số. Nhìn tượng đài, người ta cũng mườn tượng được một phần nào đó bản sắc của xứ sở mình đến. Dulichgo

< Con đường ven biển Kép, yên tĩnh và trong lành.


Thử đi nhậu... nằm

Nhiều tài liệu, sách sử ghi lại, Kép từng thuộc quyền cai quản của triều đình nhà Nguyễn, thuộc phủ Quảng Biên của tỉnh Hà Tiên. Sách dư địa lý Đại Nam nhất thống chí, thời vua Tự Đức, ghi lại: Ở phía bắc huyện Hà Châu tỉnh Hà Tiên, cách huyện này 20 dặm ta, giáp với phủ Quảng Biên có núi Bạch Mã dài rộng bao la với rừng hoang vắng. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) nhà Nguyễn lấy đất Cần Bột (Cam Pốt), Hương Úc (Sihanoukville) đặt làm phủ Quảng Biên và Khai Biên. Năm 1837, lại giáng phủ Khai Biên xuống thành huyện và đặt thêm huyện Kim Trường (sau là Vĩnh Trường), các huyện này đều thuộc phủ Quảng Biên, tỉnh Hà Tiên.

< Quán nhậu… nằm ở Kép.

Vào thời Pháp thuộc, Kép là nơi nghỉ mát lý tưởng, là điểm lui tới của giới thượng lưu. Người Pháp cũng cho xây dựng ở đây những biệt thự tráng lệ cho giới quan chức, doanh nhân đến cư ngụ. Quốc vương Campuchia cũng cho xây dựng ở đây biệt điện nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, về sau thì cung điện bị bỏ phế.

Đến thời gian bị Khmer Đỏ chiếm đóng, chúng đã phá hoại hàng loạt các nhà cửa, cung thất ở Kép. Nhiều biệt thự, biệt phủ chỉ còn lại đóng điêu tàn, hoang phế. Mãi cho đến thời gian gần đây, khách phương tây đã bắt đầu trở lại Kép. Đặc biệt Kép gần đây ngày càng thu hút nhiều khách Việt, làm sống lại hy vọng phục hồi ngành du lịch ở thành phố hiền hòa này.

< Khu chợ cua nổi tiếng của Kép. Tuy là khu chợ đông người nhưng rất yên tĩnh và sạch.

Có nhiều cách từ Việt Nam đến Kép. Đơn giản nhất là từ Hà Tiên gọi 1 chiếc xe ôm đi thẳng biên giới, đợi 10 phút làm thủ tục xuất nhập cảnh là có thể thong dong đến Kép. Hay có thời gian thì đợi các chuyến xe khách thường xuất hành vào buổi sáng và trưa. Khách đi những chuyến này nhiều nhất là dân tây ba lô, họ hay đi tuyến Sài Gòn – Phú Quốc – Kép – Cam Pót - Phnom Penh… Và ít khi họ bỏ qua Kép.

Đoạn đường từ biên giới Việt Nam qua Kép rất nhanh, khi những câu chuyện đường chưa dứt là đã tới “con ghẹ”. Ở Kép có nhiều cơ sở, quán xá do người Việt làm chủ. Trong đó, nổi tiếng nhất là lữ quán Brise De Kep hay còn gọi là quán Phở ở ngay trung tâm du lịch của Kép, do một người quê Đồng Tháp làm chủ.

< Các thương lái chào báo ghẹ mới đánh từ biển về cho du khách.

Cũng có thể thuê một xe máy tại đây để đánh một vòng ven biển, hay men theo các ngách núi, triền dốc để tìm lại thời vàng son của một thành phố sang trọng từng bị bỏ quên. Để thấy Kép yên bình đến mức ngạc nhiên. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy bầy khỉ lũ lượt kéo ra đường để… hóng khách, vô tư xin ăn. Dulichgo

Không sai khi nói Kép là thành phố của những… quán võng. Quán nước cũng võng, mà quán nhậu cũng võng. Nếu chưa có khái niệm nhậu… nằm thì hãy ghé đến những quán này. Thức ăn (chủ yếu là hải sản) phục vụ đến tận chỗ nằm. Khách vừa nhăm nhi, vừa ngả lưng nằm ngắm biển. Giá cả ở đây cũng ngang với những… quán nhậu bình dân ở Việt Nam.

Kép không phải là thành phố để mua sắm. Là đô thị trực thuộc trung ương, nhưng chợ Kép thì chỉ ngang tầm một chợ… xã nghèo ở Việt Nam, với hàng hóa không phong phú. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng đến bộ mặt của Kép. Bởi chẳng mấy ai đến Kép mà đi chợ trung tâm cả. Số đông đến Kép người ta tìm đến chợ cua.

Chợ cua là khu chợ nổi tiếng của Kép, bởi vậy người ta bảo nếu đến Kép mà không ghé chợ cua thì coi như chưa tới Kép. Nói cho kêu, kỳ thật đây là khu chợ nằm liền kề với dãy các nhà có các dịch vụ cho du khách, từ ăn nhậu đến mát-xa, ca hát nhộn nhịp. Nhưng bước sang chợ cua thì khác. Chợ cua là những gian hàng chen chút dưới vườn dừa cặp bãi biển. Tuy nhiên, khi mới tới đây, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là điểm tụ tập của một nhóm người. Bởi từ ngoài nhìn vào chỉ thấy những con người di chuyển.

< Người Campuchia hay ăn các món nướng và tài nghệ chế biến các món này thì… khỏi phải bàn.

Đến gần hơn thì có thể nghe những lời mời bằng tiếng Campuchia, tiếng Anh hay tiếng Việt. Chủ các gian hàng có cả người bản xứ (Khmer, Chăm) lẫn người Việt và người phương Tây. Khách đông nhất ở đây là người Việt và người Pháp.

Gọi là chợ cua vì đặc sản ở đây là cua, ghẹ. Ngoài ra còn có các loại tôm cá khác được đánh bắt tại ngư trường tiếp giáp với vùng biển Hà Tiên – Phú Quốc của Việt Nam. Ngư dân trong vùng vịnh khi đánh bắt được tùy con nước mà họ chở sang bán ở Phú Quốc hay đem về Campuchia bán. Kép là một trong những địa chỉ hải sản nổi tiếng trong vùng.

< Món bánh lá nướng truyền thống tại chợ cua ở Kép.

Người Campuchia thích ăn nướng, cũng vì thế mà trình độ chế biến các món nướng của họ thì khỏi phải chê. Giá hải sản ở chợ cua cũng rẻ bất ngờ. Tuy nhiên, một giáo viên người Việt dạy tiếng Anh ở Campuchia đã dập tắt sự ngạc nhiên của chúng tôi: “Vì anh là người Việt nên giá bán có cao hơn chút, người Tây giá cao hơn chút, chứ bình thường rẻ hơn. Chỉ có mấy quán của người Việt ở ngoài kia là mắc thôi”.

Đến Campuchia, Kép không có những công trình văn hóa nổi tiếng như ở Siem Reap, không có những khu chợ đầy ắp đồ như ở Phmom Penh, cũng không có những bãi biển đẹp, sang trọng như Sihanoukville… nhưng đây là thành phố nằm trong vùng vịnh trong lành tiếp giáp Việt Nam. Nếu có thời gian, cũng có thể đáp tàu qua đảo Koh Thonsay (đảo Con Thỏ) hoang sơ chỉ cách đó hơn 10 phút.

Đêm, Kép lại trở nên vắng vẻ. Đâu đó những quán đèn vàng leo lét, những điệu nhạc tan trong gió biển và thứ bia tươi đậm mùi khiến người mới tới cứ như rằng mình vừa trở lại xứ này từ hồi nào, lâu lắm…

Theo Tiến Trình (iHay.Thanhnien)
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét