Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Từ Tri Thuỷ đến Đầm Nại

Nói đến Ninh Thuận, lâu nay, người ta vẫn nhắc Cà Ná, Ninh Chữ thì bây giờ, trong xu thế khám phá du lịch biển, du khách ngày càng ưa chuộng hơn khi rong ruổi dọc từ cầu Tri Thuỷ đến Đầm Nại.

Những dãy núi đá khô khốc dựng đứng, thấp thoáng những mái chùa xưa như làm bờ cõi ôm vào mình cái sắc xanh ngăn ngắt của eo biển Tri Thuỷ. Cây cầu bắc qua eo biển có từ trước năm 1975. Trong thời chiến tranh, đây cũng là vùng biển không bình yên. Cây cầu cũ bị gãy đổ, chỉ còn trơ dưới mặt biển, chịu sức bào mòn của sóng và thời gian cho cây cầu sau giải phóng mọc lên. Miền biển này dần mang một diện mạo mới.

Ngày nay, nói  tới bình yên thì nghĩ ngay đến Tri Thuỷ. Nơi mà bạn sẽ cảm nhận được cảm giác thanh thản nhất, nhẹ nhàng nhất. Tri Thủy là tên gọi của một cái đầm cách biển Ninh Chữ (tỉnh Ninh Thuận) khoảng15 km dọc theo eo biển về hướng bắc Phan Rang. Thuê một chiếc xe máy, cũng chẳng cần bản đồ, hỏi thăm dân địa phương thì có thể đến được đầm Tri Thủy. Dulichgo

Nghe cái tên Tri Thuỷ đã thấy gần gũi gắn bó, đây là địa điểm đặc biệt đẹp nhất ở thành phố Phan Rang. Tri Thủy đẹp nhờ những chiếc sõng be bé, giát bạc lóng lánh cập gần bờ. Đến Tri Thủy thì hãy chọn buổi chiều, nắng đẹp nhất là từ 15h trở đi, buổi sáng thì khuất nắng nên cái đẹp ở đây khó lòng mà cảm được hết.

Đến làng Tri Thuỷ vào dịp ngày 21 tháng giêng (âm lịch), có thể tham dự lễ tế thần Ông Nam Hải của bà con miền biển làng Dư Khánh ở lân cận. Những ghe thuyền của ngư dân tập trung nhảy múa, mở hội đua thuyền, cúng cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió. Ở vùng này, hải sản tương đối rẻ hơn bên bãi Ninh Chữ. Quán cơm Sông Hồng sát chân cầu là nơi ghé chân của nhiều khách phương xa.

Tôm, cá, ghẹ sẽ được vớt ở hồ thuỷ tạ lên quán lá phục vụ theo kiểu bình dân nhưng mang đầy hương vị biển. Trong những buổi chiều rảnh rỗi, bạn có thể đeo máy ảnh đi dạo dọc bờ biển Tri Thuỷ để ghi lại những lá thuyền nhỏ buông lưới gần bờ…. Dulichgo

Có người bảo rằng, nếu ra Ninh Chữ mà chưa đến Vĩnh Hy thì phí mất chuyến đi. Quả thật như thế. Nếu kiên nhẫn vượt con đường gần 45 km, từ Tri Thuỷ chạy men theo chân núi ra Vĩnh Hy, con đường mới trải băng qua những làng tỏi, hành nổi tiếng của Mỹ Tường, những cánh rừng hoang dã làm vành đai cho ngọn đèo gấp khúc, hiểm trở, có đoạn còn phải lội suối. Thi thoảng, du khách có thể gặp trên đường những người Raglai bản địa gùi củi đi từ palei (làng) này sang palei kia chỉ bằng… chân đất.

Vịnh Vĩnh Hy hiện ra từ đỉnh đèo cao nhất của vùng núi Chúa. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia với nhiều loại thú quý hiếm, thiên nhiên môi trường có đôi chỗ bán sa mạc nhiệt đới.

Khi đã mệt mỏi với những cuộc trèo đá núi, vượt truông cát, du khách đứng trên đỉnh đèo cao nhìn xuống lòng vịnh Vĩnh Hy, sẽ thấy khung cảnh thơ mộng của một lòng chảo biển xanh. Đến đây vào buổi sáng ngắm nắng lên hay chiều ngắm hoàng hôn, khung cảnh vịnh đẹp lạ thường.

Sự lung linh của lòng vịnh phản chiếu lên những doi núi kiên gan trước sức bào mòn của sóng tạo nên khung cảnh nên thơ hiếm có.

Ở đây, du khách có thể đi tàu có đáy bằng kính của công ty du lịch Hoàn Cầu Tourist với giá khá mềm, để có thể ngắm san hô và những loại cá đa sắc dưới nước. Tiếc là ở đây, dịch vụ lặn biển chưa phát triển để du khách có thể thoả thích thả mình vào lòng vịnh kia, khám phá sự kỳ diệu lung linh của những kho báu trong lòng biển. Dulichgo

Nếu bạn thoả sức vật lộn với sóng xanh trong lòng vịnh Vĩnh Hy, và cơn đói ập đến thì chớ lo! Món bánh tráng mắm ruốc của người bán rong nơi đây có khi cũng làm cho bạn thấy… ngon hơn mầm đá trong truyện trạng Quỳnh nhiều! Hương vị biển khơi ở Vĩnh Hy có khi đơn giản và gần gũi như thế.

Theo Ngoisao, SGTT
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét