(ANTĐ) - Đối với những người yêu du lịch, khám phá theo phong cách “phượt”, cung đường Mậu Duệ - Du Già (Hà Giang) luôn đem lại những ký ức không thể nào quên.
Dân thích xê dịch, đều lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến cung đường này. Cũng bởi Mậu Duệ - Du Già vẫn là một trong những cung đường vất vả nhất, xấu nhất, khó đi nhất. Cái tên “Con đường đau khổ” cũng từ đó ra đời.
Nếu tính hết chặng đường 12 cây số từ Du Già đến Lũng Hồ rồi tiếp tục 28 cây số nữa từ Lũng Hồ đi Mậu Duệ thì cung đường đau khổ này không dài nếu không muốn nói là quá ngắn.
Tuy nhiên, để đi hết, ngay cả khi trời nắng ráo cũng phải mất nửa ngày. Còn khi mưa gió, sương mù, thật khó có thể nói trước về thời gian. Suốt 40 cây số là đá hộc, nhiều chặng mới đang nổ mìn, phá núi mở đường, nhiều chặng lại nhão nhoét bùn lầy khi mưa hoặc bụi mù khi nắng. Chính vì những khó khăn ấy nhiều người muốn qua nhưng lại rụt rè e ngại.
Có một điều tuyệt vời bù đắp lại gian khổ cho ai dám vượt qua cung đường để khám phá, trải nghiệm.
Ấy là những khoảng lặng dừng chân, thư giãn đôi tay rã rời sau những cú xóc nẩy người, sau những cú dồn xuống, xốc lên trên các mỏm đá hộc “dựng tóc gáy”. Ở đó, dân phượt sẽ thỏa mãn niềm đam mê với những góc, những thung lũng đẹp nhất của vùng cao nguyên đá.
Nhiều thửa ruộng bậc thang với mâm xôi vàng đẹp nhất trên chóp còn đẹp hơn ở Mù Cang Chải hay Hoàng Su Phì bởi nó giống như những đóa hoa điểm xuyết trên bức tranh xanh xám của đá núi.
Ở đoạn giữa nối xã Lũng Hồ với thị trấn Mậu Duệ, mọi bước chân đều dừng lại ở Bản Văn hóa thôn Sa Ly và thôn Nà Làu, xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Đây là hai bản văn hóa của người Dao đỏ nằm chót vót trên núi với hai bên là những thửa ruộng rộng nhất, đẹp nhất của vùng. Những mái nhà lợp ngói máng nối nhau như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của ai đó cố tình tạo nên trên vùng đất non cao này. Khói lam chiều bảng lảng càng khiến cho bức tranh sắp đặt nhuốm sắc màu ấm áp.
Cả hai bản văn hóa tuyệt đẹp này đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp mộc mạc, hồn nhiên như màu của những tảng đá xám xanh hiện hữu khắp vùng cao nguyên đá. Ở cách đó không xa, thị trấn Mậu Duệ lại mang một sắc màu hoàn toàn khác.
Đó là một thị trấn vùng cao đang từng ngày tiệm cận với văn minh đô thị, với cuộc sống bon chen chốn thị thành.
Theo Vũ Thanh (An Ninh Thủ Đô)
Du kịch, GO!
Du Già - Mậu Duệ: Thiên lý dặm trường
Du Già - Thương hiệu "xê dịch"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét