Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Dấu tích làng cổ Thiên Xuân (Quảng Ngãi)

Dấu tích ngôi làng cổ hiện nằm ở chân Núi Nứa thuộc thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). Sau nhiều lần khảo sát và điền dã, nhóm nghiên cứu khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện được vết tích của một ngôi làng từng là nơi sinh sống của hơn 40 hộ dân với đầy đủ các thiết chế của ngôi làng cách nay mấy trăm năm về trước. Đó là cổng làng, cây đa, giếng nước,… và những dòng suối được xếp đá khá độc đáo dưới lòng suối để dẫn nước về làng.

Dấu xưa còn lại

Chu vi của làng gần 2 cây số vuông, toàn bộ ngôi làng được vây bọc bởi một hệ thống thành (không có hào) bằng đá rất vững chãi. Mặt thành rộng 1 mét, cao từ 2,5 mét đến 3 mét, không phát hiện ra bất cứ một loại vôi vữa nào gắn kết giữa các tảng đá, mà người ta chỉ chồng đá lên nhau, móc xích mấu các tảng đá lại, tạo thành một khối rất vững chắc.


< Một góc của bờ thành bằng đá.

Bên ngoài lũy đá (trước đây) được trồng tre gai dày đặc nhằm chống lại thú dữ. Phía Nam của làng còn sót lại dấu vết một đền thờ, cũng theo tiến sĩ Khôi thì đó là nơi thờ thần núi - một tập quán của người Việt cổ ở khu vực miền Trung, nhất là những làng ở gần núi cao như làng Thiên Xuân này. Ngôi miếu chỉ còn sót lại phần nền và một tảng đá, rộng khoảng 1 mét vuông, được mài nhẵn phần mặt, dùng làm nơi đặt lễ vật mỗi khi cúng tế. Làng dựa vào chân núi Nứa, phía Tây của làng (trước đây) là dòng sông Vệ uốn quanh tạo nên những vực xoáy, nước ở vực sâu khoảng 4-5 mét, tương truyền làng có tục danh là Xóm Xoáy (Khoái).


< Đồ gốm Việt phát hiện ở làng cổ.

Bên trong lũy thành vẫn còn dấu tích của tất cả các nền nhà, giếng nước, bình vôi, gốc khế, dây trầu… các mảnh vườn trong làng được chia thành những ô nhỏ vuông vắn, mỗi ô rộng chừng 300 mét vuông, ngăn cách nhau cũng bằng những dãy tường đá được xếp thấp hơn nhiều so với lũy thành.

Trong từng mảnh vườn là các gốc cây khế, gốc cây mít, cây sung, … sừng sững với thời gian. Trước khi đến cổng làng, người ta đi qua dãy đá tam cấp được xếp chồng lên nhau, bên gốc đa đầu làng còn dấu tích của cổng làng được làm bằng gỗ lim, phía đông của làng chính là ngọn núi Nứa nằm trong dãy núi Vàng hùng vĩ.


< Đường dẫn vào làng.

Nước được dẫn về làng bằng những dòng suối nhỏ, lòng suối dài hơn 1 km đều được xếp bằng đá chồng lên nhau ngay ngắn và đẹp mắt - một sự kỳ công hiếm thấy ở các làng cổ người Việt, một hệ thống dẫn thủy độc đáo, vừa chống xói lở, vừa "lọc" được tạp chất của nước qua lớp đá này.

Sau thời gian phát hiện, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức đào thám sát tại bến nước của làng. Tại hiện trường, ngoài các loại bình vôi còn có các lớp gốm Việt, dưới các lớp gốm là bộ xương thú còn khá nguyên vẹn. Theo tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, việc sử dụng các loại gốm ở Thiên Xuân là sự kế tục giữa văn hóa Chăm và văn hóa Việt ngay từ buổi ban đầu khẩn hoang lập làng.

Ông Hồ Trọng Tấn - một cư dân của làng năm nay đã 84 tuổi, cho biết, đến đời ông là cháu đời thứ 6 của họ Hồ. Làng Thiên Xuân này có bốn tộc họ Nguyễn, Hồ, Lê, Đoàn là những họ tiền hiền đến đây khẩn hoang lập làng.

< Bệ thờ thần núi của làng.

Sau năm 1945, vì nhiều lẽ khác nhau, trong đó theo lời kể lại của một số người cao tuổi ở làng, một trận dịch bệnh đã làm chết nhiều người và cư dân làng phải chuyển xuống vị trí làng hiện giờ cách đó không xa, sát với dòng sông Vệ (đã đổi dòng) hiện nay. Cho đến nay, mặc dù không còn định cư trong ngôi làng cổ này, nhưng con cháu các tộc họ ở làng Thiên Xuân vẫn thừa kế đất đai của tổ tiên để lại và canh tác từ bấy đến giờ.

Làng nằm trên tuyến du lịch

Làng cổ Thiên Xuân nằm sát bên tỉnh lộ 628 từ thành phố Quảng Ngãi đi Ba Tơ ngang qua đèo Đá Chát, nối với quốc lộ 24 thông lên các tỉnh Tây Nguyên. Đây sẽ là điểm dừng chân du lịch lý thú cho du khách khi tham quan tuyến du lịch Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm. Thiên Xuân chỉ cách bệnh xá Đặng Thùy Trâm hơn 10 cây số. Bên cạnh đó, cách Thiên Xuân không xa còn là Di tích vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ cũng nổi tiếng không kém gì vụ thảm sát Sơn Mỹ.


< Đèo Đá Chát.

Bảo tàng tỉnh và huyện Nghĩa Hành đang phối hợp đo đạt và lập hồ sơ đề nghị công nhận làng cổ Thiên Xuân là di tích lịch sử văn hóa. Thiên Xuân đang chờ đợi ngành du lịch đầu tư vào đây để trở thành một điểm tham quan lý thú cho du khách.

Có thể thời gian không xa nữa, Thiên Xuân sẽ không còn hoang vắng và đìu hiu của ngôi làng không còn người ở. Cách xếp đá trong việc xây dựng ngôi làng -  từ lũy thành cho đến các kiến trúc khác một cách độc đáo của Thiên Xuân sẽ cho du khách thấy được sức lao động của những người buổi đầu đi khai hoang lập ấp là vất vả và kiên nhẫn đến chừng nào.

Làng cổ Thiên Xuân được phát hiện đã thu hút sự chú ý của Trường Viễn đông bác cổ tại Việt Nam, một đoàn cán bộ nghiên cứu của trường -  dẫn đầu là ông Andrew Hardy - Trưởng đại diện  đã đến tận nơi tìm hiểu ngôi làng này. Ông Hardy đánh giá khá cao giá trị lịch sử của ngôi làng này và cho rằng nó sẽ giúp ích nhiều cho giới khảo cổ học Việt Nam trong việc nghiên cứu các ngôi làng cổ ở khu vực miền Trung.

Cũng theo tiến sĩ Khôi, những hiện vật sau đào thám sát ở hiện trường cho thấy có khả năng làng được hình thành vào thế kỷ 15. Những cư dân Việt đến đây khẩn hoang lập làng dưới triều đại Hồ Quý Ly. Sau sự kiện vua Chămpa tiến quân chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy Động nhân Đế chế Minh Trung Hoa xâm chiếm Đại Việt, những cư dân gốc xứ Thanh Nghệ bị kẹt lại ở đây và họ đã lập làng cố thủ ở vùng đất bán sơn địa này.

Theo báo Bình Định
toimedulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét