Tháp Bà Ponagar là một di tích lịch sử - văn hóa, công trình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm đã tồn tại trên 10 thế kỷ. Tháp nằm ở vị trí cửa sông Cái, bên quốc lộ 1A, thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Tháp Bà Ponagar được xây dựng vào những năm 813 - 817. Các tháp đều được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm: gạch xây khít mạch, tháp quay về hướng Đông, ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ và đấu, nhiều nét trang trí hoa văn hình vòm tháp.
Từ dưới chân núi ngay sát quốc lộ, theo những bậc đá đi lên bạn sẽ gặp một khu đất bằng phẳng khoảng hơn 200m2, có 10 trụ gạch lớn cao trên 5m xếp thành bốn hàng trên nền gạch rộng. Theo các bậc đá lên cao mãi tới đỉnh núi là một nền đất rộng khoảng 500m2. Nơi này hiện có bốn ngôi tháp, hai miếu thờ và một nhà nghỉ. Hai ngôi tháp lớn, một cao 18m, một cao 22,48m, được xây bằng gạch nung.
Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.
Ở tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ). Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ.
Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp toạ lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 mét, là tháp Ponagar.

Hàng năm, vào tháng 3 âm lịch diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar, được coi là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, gắn liền với truyền thuyết và tục thờ nữ thần Thiên Y A Na - bà mẹ xứ sở của đồng bào Việt, Chăm ở các tỉnh miền Trung.
Những ngày đầu xuân, đến với Tháp Bà Ponagar, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của khu tháp cổ đã tồn tại trên 10 thế kỷ, mà còn có cơ hội thưởng thức các điệu múa Chăm, tìm hiểu và tận mắt chứng kiến các nghệ nhân Chăm biểu diễn các quy trình làm gốm, dệt thổ cẩm…
Một hồn Chăm đặc sắc, để lại những ấn tượng khó phai trong lòng mỗi du khách.
Tổng hợp từ Dulich.Nhatrang, internet
toimedulich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét